Đừng học lập trình lan man vớ vẫn nữa, thời gian của mỗi chúng ta đều có hạn.
Học thì phải có định hướng và kế hoạch rõ ràng. Nếu không, bạn sẽ mãi ở trong một vòng lặp vô tận và không bao giờ thoát ra được.
Thời gian không chờ đợi ai, bạn cần phải nhanh chóng hoàn thành quá trình học tập để sớm gia nhập vào thị trường việc làm.
Có như vậy, bạn mới đóng góp được giá trị của mình cho xã hội và đem về thu nhập cho bản thân.
Nhưng bắt đầu học từ đâu và cần học những gì thì không phải ai cũng biết…
Đừng lo lắng, trong bài viết này, mình sẽ cung cấp cho bạn một lộ trình Full Stack rõ ràng.
Lộ trình Full Stack đi làm
Lộ trình Full Stack được xây dựng dựa trên 2 tiêu chí:
- Thứ nhất: nhu cầu tuyển dụng cao.
- Thứ hai: sau khi hoàn thành lộ trình này, bạn sẽ có đầy đủ kiến thức để xây dựng được một hệ thống hoàn chỉnh từ con số 0.
Nghĩa là từ một ý tưởng ban đầu, bạn có thể tự lập trình giao diện frontend, xây dựng hạ tầng máy chủ backend.
Thậm chí là tạo ra các ứng dụng di động chạy trên cả 2 hệ điều hành Android và iOS.
Vậy lộ trình này bao gồm những gì, hãy cùng với mình tìm hiểu ngay sau đây nhé!
JavaScript: Kiến thức nền tảng quan trọng
Đầu tiên, bạn sẽ bắt đầu với kiến thức quan trọng nhất trong cả lộ trình, đó chính là ngôn ngữ JavaScript.
Chúng ta học JavaScript không phải vì nó là ngôn ngữ lập trình được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, mà là thông qua JavaScript bạn sẽ xây dựng được kiến thức nền tảng và tư duy logic vững chắc trong giai đoạn đầu.
Bạn nên biết rằng, tư duy logic rất quan trọng đối với 1 lập trình viên. Thậm chí nó còn quan trọng hơn rất nhiều so với việc bạn biết được bao nhiêu công nghệ mới.
Nắm chắc kiến thức JavaScript sẽ giúp bạn dễ dàng chinh phục các kiến thức còn lại trong lộ trình này.
Nếu bạn vẫn chưa biết vai trò của JavaScript trong phát triển web là gì, thì bạn có thể hiểu đơn giản rằng người ta sử dụng JavaScript để làm các tính năng tương tác cho trang web.
Ví dụ như lắng nghe sự kiện click của các button, đóng mở popup, hiệu ứng chuyển ảnh, hoặc lấy dữ liệu từ máy chủ về mà không cần tải lại trang web.
HTML & CSS: Xây dựng giao diện trang web
Tiếp theo là kiến thức HTML & CSS. Nắm vững kiến thức HTML & CSS sẽ giúp bạn biết cách xây dựng giao diện của 1 trang web theo ý muốn.
Hầu hết mọi người thường cho rằng HTML & CSS rất dễ học. Nhưng đó là 1 sai lầm vô cùng nghiêm trọng khiến bạn chủ quan, dẫn đến là học một cách hời hợt và không biết cách áp dụng kiến thức vào dự án thực tế như thế nào.
Bạn cần hiểu chính xác rằng: thật ra HTML & CSS có lý thuyết dễ học hơn so với các môn khác.
Nhưng cái khó của nó lại không đến từ lý thuyết, mà nằm ở kỹ năng vận dụng lý thuyết để xây dựng giao diện trang web đáp ứng được chính xác yêu cầu của khách hàng hoặc công ty.
Việc này không hề dễ dàng và bạn sẽ tốn rất nhiều thời gian. Vì vậy, bạn cần phải thật sự nghiêm túc khi học HTML & CSS.
Sau khi đã nắm vững JavaScript, HTML & CSS bạn đã có thể được xem như là một lập trình viên frontend cơ bản rồi đấy.
Tại sao cần phải học framework?
Cách đây 10 năm, chỉ cần học xong JavaScript, HTML & CSS thôi, bạn đã có thể tham gia vào dự án thực tế.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, bạn cần phải học thêm các công nghệ framework nâng cao thì mới có thể đi làm công ty.
Bạn có biết tại sao các công ty thường ưu tiên sử dụng framework hơn thay vì code thuần hay không?
Tại vì framework cung cấp sẵn các công cụ hỗ trợ nên thời gian phát triển dự án sẽ rút ngắn đi rất nhiều.
Bỏ qua nền tảng có thể đi nhanh hơn không?
Vậy tại sao chúng ta không học framework ngay từ đầu luôn đi, cần gì phí thời gian học các môn nền tảng như JavaScript, HTML & CSS?
Nếu bạn đang có suy nghĩ như vậy, thì hãy từ bỏ đi nhé!
Mình cam kết 100% rằng: bạn không thể nào sử dụng thành thạo framework nếu không nắm chắc các kiến thức nền tảng.
Cũng giống như một người nghệ sĩ piano chuyên nghiệp bắt buộc phải nắm rõ các kiến thức nhạc lý cơ bản.
Các framework frontend phổ biến
Sau đây là 3 framework frontend phổ biến nhất:
Lựa chọn nào cũng tốt cả. Tuy nhiên, bạn chỉ nên chọn ra 1 framework để học thôi nhé.
Đối với mình, mình vẫn thích React (NextJS) nhất trong 3 ông này. Tại vì React có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất ở thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, sau khi học xong React, mình có thể dễ dàng học tiếp React Native để phát triển ứng dụng di động cho cả iOS và Android.
Bạn nên biết rằng: React Native cũng có nhu cầu tuyển dụng cao. Điều này sẽ giúp bạn càng mở rộng cơ hội việc làm trong tương lai.
Git: Quản lý mã nguồn hiệu quả
Ngoài ra, bạn cũng cần phải học Git để biết cách quản lý mã nguồn dự án.
Git sẽ giúp bạn tạo các bản sao lưu ở mỗi thời điểm khác nhau. Nếu bạn muốn khôi phục mã nguồn quay lại thời điểm nào trước đó, Git sẽ giúp bạn làm việc này dễ dàng chỉ với vài dòng lệnh.
Đặc biệt, Git cũng giúp bạn dễ dàng sáp nhập mã nguồn của các lập trình viên với xung đột ít nhất có thể.
Đến đây, bạn đã có thể ứng tuyển vị trí lập trình viên frontend. Phần còn lại của lộ trình sẽ tập trung vào kiến thức backend và thuật toán.
MySQL: Lưu trữ & quản lý dữ liệu
Tiếp theo, bạn sẽ học về MySQL để biết cách sử dụng các câu lệnh SQL truy vấn dữ liệu từ database.
Bạn có thể hình dung dữ liệu trên backend sẽ được lưu trữ trong một hệ quản trị cơ sở dữ liệu có tên là MySQL.
Và để truy vấn dữ liệu trong MySQL, bạn cần phải sử dụng các câu lệnh SQL.
Bên cạnh MySQL, chúng ta còn có một vài hệ quản trị cơ sở dữ liệu phổ biến khác như: SQL Server, PostgreSQL, Oracle,…tất cả chúng đều sử dụng SQL để thao tác với dữ liệu.
Vậy làm thế nào để truyền dữ liệu từ MySQL đến giao diện frontend? Chúng ta sẽ sử dụng ExpressJS để làm điều này.
ExpressJS: framework backend phổ biến
ExpressJS là một trong những framework backend phổ biến nhất, được xây dựng dựa trên công nghệ NodeJS.
Khi có 1 yêu cầu lấy dữ liệu từ phía frontend, ExpressJS là nơi tiếp nhận và kiểm tra xem người dùng này có quyền truy cập hay không.
Nếu đủ quyền hạn, nó sẽ tiến hành lấy dữ liệu trong MySQL rồi trả về cho phía frontend.
Sau khi học xong ExpressJS, bạn có thể chọn học tiếp framework NestJS. Tại vì NestJS được xây dựng dựa trên ExpressJS, nên thời gian học sẽ rút ngắn đi rất nhiều.
Bây giờ, bạn đã có đủ kiến thức để xây dựng một hệ thống web từ giao diện frontend đến hạ tầng máy chủ backend.
Lập trình hướng đối tượng
Tuy nhiên, để hệ thống dễ bảo trì và mở rộng, bạn cần phải học thêm Lập Trình Hướng Đối Tượng.
Đây cũng là kiến thức mà các nhà tuyển dụng rất thích hỏi các ứng viên từ 2 năm kinh nghiệm trở xuống.
Thuật toán & cấu trúc dữ liệu
Phần cuối cùng trong lộ trình này là Thuật Toán & Cấu Trúc Dữ Liệu. Đây là phần mà mình thích nhất!
Nếu muốn trở thành một lập trình viên chuyên nghiệp, bắt buộc bạn phải học và nắm vững các kiến thức nền tảng của Thuật Toán & Cấu Trúc Dữ Liệu.
Thuật Toán & Cấu Trúc Dữ Liệu sẽ giúp bạn biết cách xử lý dữ liệu lớn hiệu quả.
Quan trọng hơn, nó còn giúp bạn tăng sức mạnh nội tại của bản thân, hoặc nói cách khác là tư duy logic.
Đây mới là điểm mấu chốt định vị bạn khác biệt hoàn toàn so với các lập trình viên khác.
Khi bạn có tư duy logic tốt, kỹ năng giải quyết vấn đề của bạn cũng sẽ được nâng cao đáng kể.
Từ đó, bạn mới có thể cung cấp được các giải pháp hiệu quả cho khách hàng hoặc công ty của mình.
Giá trị Thật Sự của 1 lập trình viên
Bạn nên nhớ rằng:
Giá trị thật sự của một người lập trình viên không phải bạn biết bao nhiêu kiến thức, sử dụng thành thạo bao nhiêu công nghệ, mà là bạn có giải quyết được các vấn đề cho khách hàng hoặc công ty của bạn hay không.
Rèn luyện Thuật Toán & Cấu Trúc Dữ Liệu là cách nhanh nhất và an toàn nhất để bạn đạt được điều này.
Mình cũng đã từng đào tạo không ít các học viên đang là lập trình viên trên 5 năm kinh nghiệm.
Tình trạng chung của các bạn là đang bị mắc kẹt và không biết cách nào để vươn lên vị trí senior.
Các bạn nắm kiến thức rất tốt, hỏi gì cũng biết. Tuy nhiên, khi mình đưa ra 1 vấn đề hơi phức tạp, thì hầu như không ai có thể phân tích và cung cấp được giải pháp.
Nguyên nhân chính là do các bạn chưa nắm vững Thuật Toán & Cấu Trúc Dữ Liệu, dẫn đến tư duy logic còn hạn chế.
Kết luận
Sau khi hoàn thành xong lộ trình Full Stack này. Mình cam kết rằng, bạn đã trang bị đầy đủ toàn bộ kiến thức và kỹ năng của một lập trình viên chuyên nghiệp trong thời điểm hiện tại.
Đương nhiên, để đi hết lộ trình này không phải là điều dễ dàng, đòi hỏi bạn phải có tinh thần kỷ luật cao trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, thành quả cuối cùng sẽ vô cùng xứng đáng với nỗ lực của bạn. Và đây cũng chính là lộ trình Full Stack từ con số 0 của LetDiv.
Nếu bạn cần có 1 mentor theo sát hỗ trợ để đảm bảo hoàn thành lộ trình này một cách an toàn và hiệu quả, hãy tham khảo ngay Tại Đây nhé!